Nhận định Trịnh_Căn

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần "Nhân vật chí", sử gia Phan Huy Chú có nhận định về Trịnh Căn:[12]

Vua tôn trọng chúa khác thường, tấu sớ không phải đề tên, vào chầu không phải lạy, lại cho đặt ghế ngồi coi chầu ngay bên tả, đủ các thứ yêu chuộng. Về chính trị thì thưởng phạt rõ ràng, mối giường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc, cất dùng các anh tài, thành tích trông thấy rõ rệt. Chúa phò Lê Hy Tông giữ chính quyền 26 năm, thọ 77 tuổi.
— Phan Huy Chú

Sử gia Lê-Trịnh đánh giá rất cao việc Trịnh Căn ngăn chặn được việc làm phản của Trịnh Toàn đang lúc còn manh nha

Trước đó, Trịnh Toàn ngầm mưu làm loạn ở trong, lại có giặc Nguyễn xâm lấn ở ngoài, lòng người nao núng, vận nước gian truân. Bấy giờ Thống lĩnh quan phó đô tướng Thái bảo Phú quận công Trịnh Căn giỏi mưu hùng đoán, trấn phục lòng người, cho nên ngăn chặn ác nghịch lúc manh nha, tiêu diệt giặc cướp khi hung dữ, khiến cho lòng người không lay, nước nhà yên tĩnh. Thế thái sơn, bàn thạch từ đây càng thêm vững vàng.
— Đại Việt Sử ký Toàn thư[2]

Tuy nhiên các nhà sử học về sau cho rằng Trịnh Toàn không có ý phản, ngay cả khi thủ hạ đã chạy đi hàng Nguyễn.

Tuy nhiên Trịnh Căn cũng bị nhìn nhận là có quá nhiều những hành vi thiên lệch, bất công trong thời gian cai trị. Khi mới lên ngôi, ông do tín nhiệm hoạn quan Thân Đức Tài mà gây ra vụ lùm xum trong chuyến nhận tù binh họ Mạc. Về việc đó, sách Cương mục có lời cẩn án:

Bang giao là lễ trọng đại mà hoạn quan được tham dự, thượng thư và ngự sử là chức quan cao quý trong triều mà hoạn quan được vượt lên trên. Thế là đem bọn sống sót sau khi bị cắt thiến đứng trên hàng quan vào bậc tấn thân[13]. Lời tranh luận của Duy Đoán và Công Đạo thật là hợp với lẽ phải, thế mà Trịnh Căn lại bênh vực Đức Tài mà bãi chức bọn Duy Đoán, thì Trịnh Căn tự ý làm càn, cũng đã quá lắm! Lúc ấy, họ Trịnh lăn loàn lấn vượt, phàm công việc đã làm, thật khó đem lẽ phải mà đo đắn được. Sở dĩ họ Trịnh còn có thể cai trị nước được, là nhờ các sĩ phu vui lòng giúp đỡ đấy thôi. Thế mà lại khinh bỏ cả thể diện quốc gia, coi thường cả phẩm giá danh sĩ, để đến nỗi sau này bọn "điêu đang"[14] lộng quyền mà quan văn quan võ trong triều phải theo chúng sai khiến, rồi cuối cùng họ Trịnh cũng phải diệt vong. Thế thì việc này chả phải đáng làm gương răn một cách sâu sắc đó sao?
— Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục